Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, XV (từ ngày 8/4/2021 đến 26/8/2024)

Sửa 2 nghị định gỡ vướng cho doanh nghiệp: Kịp thời và rất nhân văn

08:07 | 27/06/2022

(Chinhphu.vn) – PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung những quy định về hóa đơn, chứng từ phù hợp với quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cho thấy chủ trương nhất quán của Chính phủ là đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính, giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách, giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn.

Sửa 2 nghị định gỡ vướng cho doanh nghiệp: Kịp thời và rất nhân văn - Ảnh 1.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", theo ông nghị định này ra đời đã hóa giải được những khó khăn, vướng mắc gì cho doanh nghiệp?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Khó khăn vướng mắc lớn nhất khi thực hiện Nghị định 15/2022/NĐ-CP về việc lập hóa đơn riêng thuế suất 8% để được giảm thuế đã được khắc phục bởi Nghị định 41/2022/NĐ-CP. Theo đó, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn riêng, tức là, nếu cơ sở kinh doanh nhiều mặt hàng có thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ.

Với quy định như vậy, cơ sở kinh doanh tiết kiệm thời gian lập hóa đơn, tiết kiệm chi phí sử dụng hóa đơn, thuận tiện trong hạch toán kế toán và kê khai thuế. Qua đó, giảm chi phí tuân thủ thuế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Về Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì chỉ sửa một nội dung nhỏ liên quan đến mẫu Thông báo về việc tiếp nhận và xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót (Mẫu số 01/TB-SSĐT). Tại mẫu này, trong quy định của Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định "Chữ ký số của thủ trưởng cơ quan thuế".

Qua thực tiễn triển khai hóa đơn điện tử cho thấy, khối lượng hóa đơn điện tử sai sót mà người nộp thuế thông báo cho cơ quan thuế khá nhiều. Trong khi đó, đối với những sai sót do người nộp thuế tự phát hiện, việc yêu cầu thủ trưởng cơ quan thuế ký số vào Thông báo về việc tiếp nhận và xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót đối với từng trường hợp làm tăng khối lượng công việc của cơ quan thuế, mất nhiều thời gian xử lý nên không tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Việc sửa đổi mẫu này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính thuế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.

Ngoài việc kịp thời tháo gỡ vướng mắc về lập hóa đơn cho doanh nghiệp, Nghị định 41/2022/NĐ-CP nêu rõ từ ngày 1/2/2022 đến ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, cơ sở kinh doanh đã thực hiện theo quy định tại Điều 1 Nghị định này thì không phải điều chỉnh lại hóa đơn và không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn, ông đánh giá thế nào về động thái này của Chính phủ trong quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Việc sửa đổi Nghị định 15/2022/NĐ-CP là để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nghị định. Do vướng mắc phát sinh nên quá trình thực hiện của các cơ sở kinh doanh rất khác nhau do những yếu tố khách quan chứ không phải cho ý chí chủ quan cố tình thực hiện sai quy định pháp luật.

Quy định không điều chỉnh lại hóa đơn đã lập là để giảm thủ tục hành chính cho các cơ sở kinh doanh, giảm chi phí sử dụng hóa đơn, giảm thời gian xử lý hóa đơn, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Việc không xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn thể hiện cách xử lý nhân văn nhưng đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.

Dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách chưa hề có tiền lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó, Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất chính sách hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước. Ông đánh giá ra sao về sự vào cuộc nhanh chóng này của Chính phủ?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sớm vượt qua khó khăn, Chính phủ đã giao các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực, phân tích, đánh giá kịp thời những tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta; trên cơ sở đó, chủ động, kịp thời xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, chỉ đạo điều hành sản xuất, cân đối cung cầu hàng hóa trong nước và điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Trong bối cảnh dịch bệnh và tình hình quốc tế đang có những bất ổn, ngân sách còn eo hẹp, nhưng Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong bố trí, thu xếp các nguồn tài chính để có những khoản hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.

Những động thái trên càng cho thấy chủ trương nhất quán của Chính phủ là đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính, giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách…

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Các nguồn khác
Chính sách thuế khoan thư sức dân, “cú hích” giúp doanh nghiệp phục hồi

Chính sách thuế khoan thư sức dân, “cú hích” giúp doanh nghiệp phục hồi

12:02 | 19/08/2022

Đại dịch COVID-19 đặt ra gánh nặng chưa từng có tới nền kinh tế thế giới, buộc các quốc gia phải có chính sách hỗ trợ để nền kinh tế phục hồi và phát triển. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi các chính sách tài khóa, mà chủ đạo là việc miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được thực hiện hơn 2 năm qua, giúp doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.